Tuổi trẻ là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời, là thời điểm để theo đuổi ước mơ và hoài bão bên cạnh các cơ hội và thách thức trong đời sống sinh viên. Tuy nhiên, không phải ai cũng có định hướng rõ ràng cho tương lai của mình khi đã là sinh viên. Việc thiếu kế hoạch nghề nghiệp trong 4 năm Đại học có thể dẫn sinh viên đến nhiều hệ quả nghiêm trọng như mất thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng đến tâm lý và hạnh phúc của bản thân và gia đình.

Nhiều người cho rằng, hướng nghiệp chỉ dừng lại ở cấp ba, khi chúng ta đã chọn được một ngành học ở một trường Đại học phù hợp. Tuy vậy, thực trạng cho thấy rất nhiều sinh viên khi ra trường chật vật trong việc tìm kiếm việc làm, thậm chí buộc phải làm trái ngành là không hề hiếm gặp. Vậy nên, hành trình định hướng và phát triển nghề nghiệp cho bản thân mỗi sinh viên là rất quan trọng trong việc thấu hiểu tính cách, sở thích, năng lực bản thân và có một kế hoạch hành động cần làm trong 4 năm đại học để từ đó có thể vững tâm trên trên hành trình nghề nghiệp phía trước.
1. Khi hướng nghiệp là một hành trình …
Hướng nghiệp không chỉ là sự lựa chọn một nghề nghiệp mà mình yêu thích, chọn một trường đại học phù hợp với mình. Thuật ngữ hướng nghiệp (career mentoring) nếu được hiểu chính xác nó là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực như: đánh giá nghề nghiệp (career assessment), quản lý nghề nghiệp (career management), phát triển nghề nghiệp (career development) ...

Lựa chọn nghề nghiệp chỉ là một giai đoạn đầu trong tiến trình hướng nghiệp của mỗi người. Vì vậy có thể thấy rằng việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên là một quá trình liên tục và kéo dài cho đến những năm cuối cùng của bậc đại học. Sau khi đã lựa chọn ngành nghề ở trường đại học, sinh viên năm nhất cần được tiếp tục hướng dẫn những kỹ năng cần thiết như điểm mạnh của mình, thị trường tuyển dụng cần những kỹ năng gì, những phương pháp học hiệu quả,…Sinh viên năm cuối cần được đào tạo kỹ năng để tìm một công việc tốt, kiến thức xây dựng một kế hoạch nghề nghiệp cho năm năm, mười năm...
Bên cạnh đó, hướng nghiệp là vô cùng quan trọng trong sự thay đổi liên tục của thế giới nghề nghiệp. Với sự ra đời AI-trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng khoa học kỹ thuật, ta có thể thấy rất nhiều ngành nghề sẽ mất đi sau vài năm, và cũng rất nhiều ngành nghề sẽ xuất hiện. Với sự thay đổi đó, việc định hướng nghề nghiệp là quá trình liên tục, xuyên suốt để chúng ta có thể thích nghi. Ngoài ra, sinh viên hiện nay có nhiều lựa chọn hơn các thế hệ trước. Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, toàn cầu hóa và các công cụ trí tuệ nhân tạo giúp mở ra cơ hội học tập, trải nghiệm và thử sức với rất nhiều ngành nghề khác nhau. Theo thời gian, sinh viên có thể hiểu đâu là ngành nghề mình quan tâm, hứng thú.
Vậy nên, sinh viên cần được hướng dẫn hướng nghiệp một cách liên tục trong giai đoạn đại học. Từ đó, việc hướng nghiệp sẽ giúp sinh viên hiểu rõ bản thân, phân tích được thị trường lao động, hiểu được kỹ năng cần thiết để trau dồi… nhằm hạn chế thực trạng thất nghiệp hay buộc phải chọn trái ngành vì thiếu sự chuẩn bị, định hướng.
2. Lợi ích của hướng nghiệp khi đã là sinh viên

- Định hình lại lộ trình học tập: việc định hướng nghề nghiệp giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện về điểm mạnh, điểm yếu, sở thích, thị trường lao động, yêu cầu công việc… từ đó giúp sinh viên thiết kế một lộ trình phát triển những kỹ năng, mối quan hệ và chứng chỉ cần thiết cho công việc về sau.
- Định hình sự nghiệp: hướng nghiệp giúp sinh viên xác định hình ảnh sự nghiệp mong muốn theo đuổi, từ đó có góc nhìn rõ ràng về các mục tiêu đề ra và áp dụng các kiến thức học tập vào thực tiễn dễ dàng hơn.
- Tạo động lực học tập: không gì tạo động lực mạnh mẽ bằng việc biết rõ ràng mình muốn gì. Việc được định hướng nghề chuyên sâu giúp sinh viên có thể hiểu được lí do cho việc học kiến thức và các kỹ năng, từ đó gia tăng hứng thú và động lực học tập.
- Hạn chế sự căng thẳng trong kế hoạch nghề nghiệp: khi đã xác định rõ hướng đi một cách chuyên nghiệp, sinh viên có thể giảm các nguy cơ về sự bối rối, lo lắng và căng thẳng do mất định hướng.
- Quản lý sự thay đổi: Quản lý sự thay đổi trong định hướng nghề nghiệp đề cập đến khả năng thích ứng với những thay đổi trong thị trường lao động và nhu cầu của doanh nghiệp. Thay vì tập trung vào việc chọn một "tên nghề" cụ thể, sinh viên cần chú trọng vào việc:
+ Nhận thức được những thay đổi: Thị trường lao động luôn biến động, do đó, sinh viên cần hiểu được những xu hướng mới để có thể thích ứng và phát triển.
+ Xác định những kỹ năng cần thiết: Mỗi công việc đòi hỏi những kỹ năng khác nhau. Sinh viên cần xác định những kỹ năng cần thiết cho công việc mà họ mong muốn và tập trung phát triển những kỹ năng đó.
+ Nối kết những kỹ năng đã trau dồi: Sinh viên có thể tận dụng những kỹ năng đã học được ở trường đại học để áp dụng vào công việc.
+ Có những bước chuyển trong công việc dễ dàng hơn: Khi có những kỹ năng cần thiết, sinh viên có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các ngành nghề khác nhau hoặc thích nghi với những thay đổi trong yêu cầu công việc.
Hướng nghiệp là một quá trình không ngừng học hỏi và khám phá bản thân. Sinh viên nên dành thời gian để tìm hiểu kỹ về bản thân và các ngành nghề khác nhau để có được lựa chọn phù hợp nhất cho tương lai của mình.
Người viết: Lai rai 🌱
Nguồn tham khảo:
- https://careerviet.vn/vi/talentcommunity/huong-nghiep-cho-sinh-vien-dang-bi-bo-quen.35A4F2D3.html
- Sách: Cứ đi để lối thành đường – Phoenix Ho
-----------------------------------
💙 Trung tâm Tham vấn tâm lý sinh viên VHU luôn tạo ra một không gian thảo luận tích cực và đầy ý nghĩa về sức khỏe tinh thần. Nếu bạn đang gặp khó khăn về tinh thần, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung tâm tham vấn tâm lý VHU để được hỗ trợ cần thiết về kiến thức, kỹ năng để cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn!
💙 Sức khỏe tinh thần của bạn là rất quan trọng!!! Hãy ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình ngay từ ngày hôm nay!
Liên hệ:
📧 thamvantamly@vhu.edu.vn
🌐 thamvantamly.vhu.edu.vn
📞 02 873 020 333
