Phòng chống bắt nạt trên mạng xã hội

line
06 tháng 01 năm 2025

Trong thế giới kết nối ngày nay, nơi mà mọi tương tác xã hội dường như đang diễn ra bằng những cú click chuột, vấn nạn bắt nạt trực tuyến đã trở thành một hiện tượng đáng báo động. Không còn giới hạn trong những hành động xô xát hay lời nói xúc phạm trực tiếp, những kẻ bắt nạt giờ đây có thể ẩn sau những tài khoản ảo, tự do phát tán sự tiêu cực của mình mà không phải chịu trách nhiệm. Vậy đâu là nguyên nhân? Những hệ quả có thể nguy hại đến người dùng mạng là gì? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu rõ hơn vấn đề bắt nạt trực tuyến.


Phòng chống bắt nạt trực tuyến

1. Bắt nạt trên mạng là gì?

Theo UNICEF, bắt nạt trên mạng (Cyberbullying) là bắt nạt bằng cách sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Nó có thể diễn ra trên phương tiện truyền thông xã hội, nền tảng nhắn tin, nền tảng chơi game. Đó là hành vi lặp đi lặp lại, nhằm mục đích dọa, tức giận hoặc làm xấu hổ những người bị nhắm mục tiêu.

Bắt nạt trên mạng bao gồm các hành vi như:
- Nhắn tin hoặc gửi email quấy rối, đe dọa
- Đăng hoặc bình luận ác ý về các bức ảnh,
- Chỉnh sửa và lan truyền ảnh nhạy cảm hoặc làm sai lệch thông tin
- Mạo danh, đánh cắp danh tính để thực hiện hành vi xấu.
- Tiết lộ thông tin cá nhân trái phép trên mạng

2. Bắt nạt trên mạng xảy ra thường xuyên như thế nào?

Năm 2024, theo số liệu được đưa ra trong Hội thảo “Việt Nam và Israel phòng chống bắt nạt trên môi trường mạng”. Cứ 10 người dùng internet tại Việt Nam thì có hơn 5 người liên quan đến các hành vi bắt nạt. 21% những người được khảo sát cho biết họ từng là nạn nhân và 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối

Theo một khảo sát vào năm 2023 của Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS, thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN) cho thấy 78% người dùng mạng khẳng định mình từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội; 61,7% từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của trò nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và 46,6% từng bị vu khống, bịa đặt thông tin.

Vào năm 2019, tổ chức UNICEF đã thực hiện thống kê về tỷ lệ người trẻ từng bị bắt nạt qua mạng. Việt Nam là 1 trong 30 quốc gia có tham gia cuộc khảo sát này. Theo khảo sát, 21% thanh thiếu niên từng là nạn nhân của bắt nạt qua mạng. Đáng lo ngại hơn đa phần họ phải tự đối mặt và không được giúp đỡ.

3. Dấu hiệu nhận biết bắt nạt trên mạng xã hội
Nhận diện dấu hiệu chính bạn đang bị bắt nạt trực tuyến:
- Liên tục nhận được tin nhắn hoặc bình luận tiêu cực: Nội dung đe dọa, xúc phạm, công kích hoặc bôi nhọ danh dự.
- Bị giả mạo thông tin cá nhân: Có người tạo tài khoản giả mạo để phát tán thông tin sai lệch hoặc hình ảnh nhạy cảm.
- Bị cô lập trên mạng: Người khác đồng loạt ngừng tương tác, thậm chí "công kích hội đồng" qua các nhóm trò chuyện.
- Ảnh hoặc thông tin cá nhân bị chia sẻ trái phép: Hình ảnh bị chỉnh sửa, thông tin bị tiết lộ gây tổn thương về tinh thần và danh dự.
- Quấy rối liên tục: Gọi điện, nhắn tin nhiều lần với nội dung gây áp lực, thậm chí đe dọa đến an toàn cá nhân.

Nhận diện dấu hiệu ai đó đang là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến:

- Thay đổi thói quen trực tuyến: Hạn chế sử dụng mạng xã hội, xóa tài khoản đột ngột hoặc thay đổi mật khẩu thường xuyên.
- Trở nên lo âu, buồn bã: Tâm trạng tiêu cực kéo dài, dễ cáu gắt, mất ngủ hoặc thiếu tập trung.
- Tránh né tương tác với mọi người: Ngại giao tiếp trực tiếp, né tránh những cuộc trò chuyện hoặc tụ họp.
- Suy giảm kết quả học tập/công việc: Bị phân tâm, mất động lực học tập hoặc làm việc.

4. Những hệ quả khó lường của bắt nạt trực tuyến
- Lo âu và căng thẳng kéo dài: Những lời đe dọa, chế giễu liên tục khiến nạn nhân luôn trong trạng thái lo sợ, căng thẳng. Họ có thể cảm thấy bất an, mất tự tin và ám ảnh mỗi khi sử dụng mạng xã hội.
- Overhinking : Cảm giác bị cô lập, xấu hổ và không ai thấu hiểu dễ khiến nạn nhân rơi vào trạng thái suy nghĩ tiêu cực quá mức. Những suy nghĩ như “Mình vô dụng”, “Mình không xứng đáng” xuất hiện ngày càng nhiều và trở nên khó kiểm soát.
- Rối loạn giấc ngủ và sức khỏe suy giảm: Lo lắng, stress khiến nạn nhân khó ngủ, ngủ không sâu giấc hoặc gặp ác mộng. Cùng với đó, tinh thần sa sút kéo theo cơ thể mệt mỏi, suy nhược, làm giảm khả năng học tập và làm việc.
- Cảm giác cô đơn và tự cô lập bản thân: Nạn nhân thường có xu hướng né tránh giao tiếp, thu mình lại và cảm thấy không ai hiểu được nỗi đau của mình. Sự cô đơn kéo dài càng khiến họ tổn thương sâu sắc hơn.

5. Tips bảo vệ bản thân trước bắt nạt trực tuyến
Là sinh viên, bạn thường xuyên sử dụng mạng xã hội để học tập, kết nối và giải trí. Tuy nhiên, bắt nạt trực tuyến có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, khiến bạn gặp phải căng thẳng và áp lực. Hiểu được điều đó nên Trung tâm gửi đến bạn những mẹo nhỏ để có thể bảo vệ bản thân và những người thân yêu khỏi bắt nạt trực tuyến.

Tự bảo vệ thông tin cá nhân
- Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ, thẻ sinh viên, lịch trình hàng ngày trên mạng xã hội.
- Cài đặt quyền riêng tư: Kiểm tra lại cài đặt bảo mật và giới hạn người có thể xem bài viết của bạn.

Kiểm soát thời gian sử dụng mạng xã hội
- Đặt giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội mỗi ngày để giảm tiếp xúc với nội dung tiêu cực.
- Thử “detox mạng xã hội” một vài ngày nếu bạn cảm thấy bị quá tải và căng thẳng.

Không ngần ngại chặn hoặc báo cáo tài khoản xấu
- Nếu bạn nhận được tin nhắn, bình luận ác ý, đừng ngần ngại chặn người gửi và báo cáo tài khoản đó.
- Hầu hết các nền tảng mạng xã hội đều có công cụ báo cáo vi phạm để bảo vệ người dùng.

Lưu lại bằng chứng nếu bị quấy rối
- Chụp màn hình tin nhắn, bình luận, email hoặc các hành vi bắt nạt trực tuyến để làm bằng chứng.
- Báo cáo với nhà trường, trung tâm tham vấn tâm lý hoặc cơ quan chức năng khi cần thiết.

Chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ
- Đừng giữ nỗi đau cho riêng mình! Chia sẻ với bạn bè, gia đình hoặc chuyên viên tham vấn tâm lý khi bạn cảm thấy áp lực.
- Trung tâm Tham vấn Tâm lý tại trường luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ bạn vượt qua khó khăn.

Giải đáp thắc mắc về dịch vụ Tham vấn tâm lý: Thông tin Tham vấn tâm lý

TRUNG TÂM THAM VẤN TÂM LÝ