Thuyết đa trí tuệ

line
17 tháng 04 năm 2024

Trong quãng đời học sinh, sinh viên, có lẽ không khó để bạn thấy rằng bản thân sẽ giỏi trong một vài khía cạnh và yếu kém trong một vài lĩnh vực. Bạn cũng có những người bạn tuy học hành không xuất sắc nhưng lại có thể nấu ăn rất ngon, viết lách rất giỏi hay là thổ địa dẫn đường không bao giờ lạc... và tất cả những điều trên đề cập đến thuyết đa trí tuệ, một học thuyết nói về trí thông minh của con người mà không chỉ gói gọn trong các bài kiểm tra, thi cử hay test IQ. Vậy thì hôm nay VHUers hãy cùng Trung tâm Tham vấn tìm hiểu về chủ đề này nhé.  

Quan điểm của Howard Gardner về trí thông minh 

Khi nhắc đến trí thông minh, ít nhiều mọi người đều sẽ liên tưởng đến những bài kiểm tra IQ hoặc xem nó là thứ bẩm sinh đã có và có thể đo lường được. Nhưng khi nhắc về trí tuệ, chỉ nhiêu đó thôi là chưa đủ. Howard Gardner đã phác họa rõ nét các loại trí tuệ khác nhau lần đầu tiên vào năm 1983 trong cuốn sách Frames of  Mind: Thuyết đa trí tuệ. Thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner ra đời có ý nghĩ như sự quy định lại những chuẩn mực và tiêu chuẩn được cho là “kém thông minh” hoặc “vô dụng”; đồng thời các nhà giáo dục tập trung phát triển trí thông minh đa dạng của con người bằng việc quan tâm nhiều đến từng cá thể.  

Thực chất, chúng ta có thể thấy những sinh viên phải vật lộn với ngôn ngữ và các con số có thể dễ dàng trở thành những vận động viên, nhạc công hay các nghệ sĩ tài ba. Rất nhiều cá nhân thành đạt trong kinh doanh từng bị đánh giá là những người kém cỏi trong trường học. Tất nhiên, những cá nhân này đã bị đánh giá bằng những định nghĩa hẹp về điều gì làm nên các thành tích học tập và những thành công trong trường học. Nhiều người thành đạt trong cộng đồng - như những nhà lãnh đạo, nhà văn, quân nhân, nhà khoa học và những người hoạt động trong lĩnh vực thể thao - đều từng bị đánh giá là những cá nhân kém trong các trường - những con người này cũng đã bị đánh giá theo một định nghĩa hạn hẹp về điều gì tạo nên trí tuệ.  

Vậy nên theo Gardner, trí thông minh (Intelligence) là khả năng giải quyết các vấn đề hoặc tạo ra các sản phẩm, các giải pháp có giá trị trong một hay nhiều môi trường văn hóa và trí thông minh cũng không thể chỉ được đo lường duy nhất qua chỉ số IQ. 

Tam loại trí thông minh theo Howard Gardner 

1. Trí thông minh không gian - thị giác 

Những người có thế mạnh về trí thông minh không gian - thị giác thường rất giỏi trong việc hình dung mọi thứ. Những cá nhân này thường nhạy bén tốt với phương hướng cũng như bản đồ, biểu đồ, video và hình ảnh. 

2. Trí thông minh ngôn ngữ 

Những người thuộc thế mạnh về trí thông minh ngôn ngữ có thể sử dụng từ ngữ thuần thục, cả khi viết lẫn nói. Các cá nhân này thường rất giỏi trong việc đọc, viết lách và ghi nhớ thông tin. 

3. Trí thông minh logic toán học 

Sở hữu ưu thế về trí thông minh logic toán học, giúp cho những người thuộc nhóm này rất giỏi lý luận, nhận dạng tốt các mô hình vật mẫu và phân tích logic mọi vấn đề. Đây là nhóm thành phần có xu hướng khái niệm thiên về con số, hệ thức và mô hình. 

4. Trí thông minh thể chất/vận động 

Những người thuộc trí thông minh thể chất cao được cho là giỏi vận động cơ thể, thực hiện các hoạt động và kiểm soát tốt thể chất. Nhóm người vượt trội trong lĩnh vực này có xu hướng phối hợp tay và mắt khéo léo tuyệt vời. 

5. Trí thông minh âm nhạc 

Nhóm người có trí thông minh âm nhạc nổi bật là những người liên tưởng theo các mô hình, nhịp điệu và âm thanh rất tốt. Họ có khả năng cảm thụ âm nhạc tinh nhạy và thường sở hữu tài nghệ sáng tác lẫn biểu diễn âm nhạc. 

6. Trí thông minh giao tiếp/tương tác 

Những người bẩm sinh nắm giữ trí thông minh giao tiếp vượt trội rất có tài trong việc thông hiểu và tương tác với người khác. Các cá nhân này sở hữu kỹ năng đánh giá cảm xúc, động lực, mong muốn và ý định của những người xung quanh. 

7. Trí thông minh nội tâm 

Với những cá nhân có khả năng nắm vững trí thông minh nội tâm, họ thuộc kiểu người vô cùng nhạy bén trong việc nhận thức về trạng thái cảm xúc cũng như cảm giác và động lực của chính mình. Họ hướng đến thú vui tự suy ngẫm và phân tích, gồm có cả sự mơ mộng, khám phá mối quan hệ với người khác và tự đánh giá được điểm mạnh của cá nhân. 

8. Trí thông minh thiên nhiên 

Theo Gardner, những cá nhân nghiêng về trí thông minh thứ 8 có khả năng hòa hợp với thiên nhiên tốt hơn và hay quan tâm đến việc nuôi dưỡng cũng như khám phá môi trường bên ngoài, đồng thời ưa thích tìm hiểu các giống loài khác. Nhóm này được đánh giá là có nhận thức cao về những thay đổi tinh tế đối với môi trường mà họ sinh sống. 

Kết luận: 

Lý thuyết của Gardner đã chỉ ra rằng mỗi người trong chúng ta đều tồn tại một vài kiểu thông minh trên, tuy nhiên, sẽ có kiểu thông minh trội hơn trong mỗi người. Bên cạnh đó, Gardner đã chỉ ra rằng trong trường học thông thường chỉ đánh giá một học sinh thông qua 2 loại trí thông minh là trí thông minh về ngôn ngữ và trí thông minh về logic/toán học, và điều này là không chính xác.  Nhiều sinh viên có thể học tập tốt hơn nếu ta được tiếp thu kiến thức bằng chính thế mạnh của ta. Việc nhận diện và phân loại được loại trí tuệ của ta sẽ giúp ta có thể phát huy được năng lực một cách tối đa và nâng cao hiệu quả học tập và làm việc của các bạn. 

Nguồn tham khảo: 

https://thpttrankhainguyen.hcm.edu.vn/tu-van-hoc-duong/thuyet-da-tri-tue-cua-gardner-va-8-loai-tri-thong-minh-cua-con-nguoi/ctmb/45945/462237  

http://vjes.vnies.edu.vn/sites/default/files/noidung-9-11_8.pdf  
----------------------------------- 

💙 Trung tâm Tham vấn tâm lý sinh viên VHU luôn tạo ra một không gian thảo luận tích cực và đầy ý nghĩa về sức khỏe tinh thần. Nếu bạn đang gặp khó khăn về tinh thần, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung tâm tham vấn tâm lý VHU để được hỗ trợ cần thiết về kiến thức, kỹ năng để cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn! 
💙 Sức khỏe tinh thần của bạn là rất quan trọng!!! Hãy ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình ngay từ ngày hôm nay! 

Liên hệ: 
📧 thamvantamly@vhu.edu.vn 
🌐 thamvantamly.vhu.edu.vn 
📞 02 873 020 333 

Các tin liên quan