HIỆU ỨNG FOMO - TÔI KHÔNG MUỐN TRỞ THÀNH KẺ NGOÀI CUỘC

line
27 tháng 03 năm 2024

Có bao giờ bạn chợt nhận ra rằng mình đang làm một việc vô bổ mà bản thân không hề hứng thú hay thấy được lợi ích, ý nghĩa mà nó mang lại? Đâm đầu vào những buổi tiệc thâu đêm cùng với bạn bè, tụ tập cái các quán bar sau giờ làm việc cùng đồng nghiệp, hay mua một món đồ đắt tiền mà bản thân ít có nhu cầu sử dụng chỉ vì nó đang là xu hướng… Nếu lâm vào một trong những tình trạng như trên thì “xin chúc mừng” rất có thể là bạn đã và đang bị tác động bởi hiệu ứng FOMO rồi đó. Vậy cụ thể Hiệu ứng tâm lý này là như thế nào? Nó có tác động gì đến cuộc sống của bạn? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết ngay sau đây nhé!

1. Hiệu ứng FOMO là gì?

Đầu tiên chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về khái niệm FOMO. Có thể nói FOMO là viết tắt của cụm từ “Fear Of Missing Out”, tạm dịch nôm na là “Hội chứng sự bỏ lỡ”. Như tên gọi của nó, có thể hiểu hội chứng FOMO chính là một hội chứng sẽ khiến chúng ta luôn cảm thấy sợ hãi việc mình sẽ bỏ lỡ những điều thú vị, hay ho trong cuộc sống mà người khác đang được trải nghiệm.

Cụm từ này được đưa vào từ điển Oxford năm 2013 và đã trở nên rất phổ biến từ đó. Thực tế, theo một nghiên cứu năm 2012 của J. Walter Thompson, 70% người thuộc thế hệ Millennials (Gen Y) đã và đang bị ảnh hưởng bởi hội chứng FOMO. Theo nhận định của J. Walter Thompson về vấn đề của hiệu ứng này mang lại “Khi rơi vào nỗi sợ bỏ lỡ, bạn đang là một hành tinh xoay quanh hệ mặt trời của người khác thay vì là trung tâm của cuộc đời mình”. Thật tệ khi sự cân bằng cuộc sống của bạn biến mất và bạn phải lao đầu đi tìm kiếm nó từ trải nghiệm của những người xung quanh. Điều đó dần sẽ khiến bạn trở nên ngày một chìm ngập trong những cảm xúc tiêu cực như bực tức, hối hận, ganh tị, lo lắng và bất mãn khi luôn phải đem bản thân ra đối chiếu với người khác. Từ đó tạo ra một hệ quả rằng bạn sẽ ngày càng lúng sâu vào những suy nghĩ, cảm xúc mà FOMO tạo ra và mất dần đi tự tin, năng lượng, phong độ vốn có của mình.

2. Ảnh hưởng của hiệu ứng FOMO

Khi nghe hay đọc về khái niệm về Hiệu ứng tâm lý này thoạt đầu mọi người sẽ dễ cảm thấy nó khá là mơ hồ. Nhưng trên thực tế nó luôn tồn tại hằng ngày trong cuộc sống xong quanh chúng ta và không khó để có thể bắt gặp được.

Luôn trong trạng thái “dán mắt” vào màn hình điện thoại

Đầu tiên chính là việc bạn luôn chăm chú vào màn hình điện thoại mọi lúc mọi nơi, dù là có đang học tập, làm việc… Để có thể cập nhật liên tục mạng xã hội, những thông báo vè bài đăng mới của bạn bè, những trend đang tạo nên độ phủ sóng rộng khắp và cả những drama về đời tư của các nhân vật nổi tiếng…

Mất tập trung trong công việc

Hiệu ứng FOMO sẽ khiến bạn liên tục mất tập trung, phải dừng công việc lại để check những thông báo, cuộc gọi, email không quan trọng. Và đôi lúc dù không có cuộc gọi hay thông báo nào thì theo một cách vô thức bạn vẫn check điện thoại, tin nhắn… Điều này về lâu dài vô hình trung sẽ làm cho công việc của bạn trở nên trì trệ và giảm hiệu xuất một cách đáng kể

Mua sắm một cách vô tội vạ

Dưới tác động của FOMO bạn có thể chạy theo những món đồ hiệu xa xỉ hoặc những món đồ được truyền thông mạnh rằng hiện tại đang rất hot và người người nhà nhà đều đổ xô đi mua. Ví dụ gần nhất mà bạn có thể thấy đó chính là một số người sẵn sàng mua một chiếc điện thoại mới ra chỉ vì đu theo xu hướng mặc dù điệm thoại cũ của họ vẫn đang sử dụng rất tốt, hay việc mua một chiếc áo, chiếc váy, phụ kiện thời trang từ những thương hiệu nổi tiếng vừa mới ra mặc dù không chắc rằng bản thân sẽ phù hợp hoặc sử dụng được thường xuyên.

Khi đó sẽ dẫn đến một vấn đề ngầm ấn trong tương lai chính là dưới sự chi phối của hiệu ứng tâm lý này kinh tế của chúng ta sẽ bị bòn rút dần, bạn sẽ không còn các khoảng phí để dành phòng hờ trong những trường hợp cần thiết. Nên khi cần mua một món đồ thực sự cần thiết, đổ bệnh, thất nghiệp… sẽ không thể xoay sở kịp phải đối mặt với những áp lực tài chính.

Bỏ lỡ những điều quan trọng trong cuộc sống

Những cuộc gọi không quan trọng, những thông báo và các chiếc mail vô nghĩa sẽ chen ngang cuộc sống của bạn. Có thể là trong một cuộc họp, trong một buổi nói chuyện cùng với bạn bè, một bữa ăn cùng bố mẹ hay lúc hẹn hò với người yêu… Thay vì tập trung giao tiếp, chia sẻ, dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề hiện tại trong lúc đó thì bạn chỉ chăm chăm vào chiếc điện thọai của mình từ đó dẫn đến sự xa cách trong các mối quan hệ xung quanh. Nếu trong công việc thì rất có thể bạn sẽ đánh mất những cơ hội nghề nhiệp, thăng tiến lên các vị trí mới… Còn trong những mối quan hệ thân thiết thì chỉ cần một khoảnh khắc lơ đãng đi rất có thể bạn đã bỏ lỡ những gắn kết về mặt cảm xúc với đối phương từ đó làm cho bạn dần xa cách và thiếu kết nối với những người thực sự quan trọng đối với bản thân.

Có nhiều mối quan hệ không cần thiết

Không thể phủ nhận việc đầu tư mở rộng các mối quan hệ trong thời đại hội nhập như ngày nay là vô cùng quan trọng. Nhưng nó không đồng nghĩa với việc bạn sẽ kết bạn một cách vô tội vạ với những người khác cả khi bạn biết chắc rằng người đó không hề liên quan gì đến công việc, cuộc sống của bản thân mình. Xin nhấn mạnh lại việc đầu tư mở rộng cho các mối là cần thiết nhưng việc này vẫn cần có sự chọn lọc để chắc chắn rằng bạn không tốn quá nhiều thời gian cho những mối quan hệ không cần thiết. Và từ đó có thể đầu tư nhiều thời gian hơn cho việc vun đắp, xây dựng những mối quan hệ thực sự quan trọng.

Hẹn hò chỉ để giống mọi người

Và điều cuối cùng cũng có thể nói là một trong những hệ quả tai hại nhất mà hiệu ứng FOMO mang lại, chính là việc khiến chúng ta bị mờ mịch trong chính tình cảm của bản thân. Theo như lẽ thường thì tình yêu là gắn kết giữa hai người thông qua một quá trình nhất định mà ở đó yếu tố đóng vai trò quan trong nhất chính là cảm xúc của đôi bên. Những cảm xúc này có thể là cảm giác được sẻ chia, lắng nghe, cảm giác mến mộ, yêu thích… Nhưng sẽ ra sao nếu như những cảm xúc nền tảng để bắt đầu cho một câu chuyện tình là “sợ hãi”. Sợ hãi khi bạn bè, những người xung quanh ai ai cũng có người yêu, sợ hãi khi nghĩ rằng người khác sẽ nói mình ế… Và từ đó chọn bừa một người chưa phù hợp để bắt đầu một mối quan hệ.

Những quyết định vội vàng đó có thể sẽ là quyết định không thực sự đúng đắn và sẽ làm cho bạn nhọc lòng, đau khổ trong một khoảng thời gian sau đó thay vì hạnh phúc. Vậy nên đừng nóng vội, bạn hãy chờ đợi một người thực sự khiến bạn hạnh phúc, để từ đó tình cảm có thể từ từ được vun đắp và xây dựng dần lên một mối quan hệ bền vững.

3. Nguyên nhân tâm lý đằng sau hiệu ứng FOMO

Nỗi sợ mất mát

Có thể nói nguyên nhân thiết yếu nhất để dẫn đến hiệu ứng FOMO chính là nỗi sợ mất mát. Theo như hai bậc thầy về kinh tế học hành vi, Daniel Kahneman và Amos Tversky, là người đã đi tiên phong trong ý tưởng về nỗi sợ mất mát; và đưa ra những cách mà con người muốn tránh mất mát bằng mọi giá. Vì khi chúng ta bị đặt “nguy cơ mất đi điều gì đó”; bản năng trốn tránh nỗi đau của chúng ta sẽ dẫn đến hiệu ứng FOMO.

Qúa nhiều sự lựa chọn

Hay theo như một quan điểm khác của nhà tâm lý học Barry Schwartz, ông cho rằng chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn. Và việc học cách lựa chọn thì rất khó, Nhất là khi trong thời đại ngày nay chúng ta còn được đặt trong một bối cảnh sống biến đổi liên tục với những sự lựa chọn đa dạng, phổ biến và dường như là không có giới hạn thì việc lựa chọn đó còn khó hơn gấp nhiều lần.

4. Bí kíp hạn chế tác động của hiệu ứng FOMO

Thừa nhận rằng bản thân đang bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng FOMO

Điều đầu tiên để có thể giải quyết được một vấn đề chính là bản thân chúng ta phải chấp nhận đối mặt với nó. Mặc dù việc đối mặt để thừa nhận rằng tôi đang có vấn đề là không hề dễ dàng nhưng bạn hãy dũng cảm lên vì đấy không phải là chuyên gì xấu cũng như hiện nay không phải chỉ một mình bạn gặp phải hiệu ứng tâm lý này. Khi dám đứng lên thừa nhận và đương đầu với vấn đề thì gần như là bạn đã giải quyết được một phần không hề nhỏ của vấn đề đó rồi.

Tránh những phương tiện truyền thông

Tuy rất khó khăn nhưng bạn cần ngắt kết nối với mạng xã hội để tránh những tác động tiêu cực của hiệu ứng FOMO. Việc chủ động giảm dần tần suất sử dụng điện thoại cũng như lướt các trang mạng xã hội dần sẽ khiến bạn cảm thấy rằng bản thân mình cũng khoogn thực sự cần chúng đến vậy. Ngoài ra thời gian đầu có thể bạn sẽ cảm thấy bứt rứt và khó chịu nhưng hãy yêu tâm cảm giác này sẽ trôi qua một cách rất nhanh thôi.

Và khi đã dần buông được biệc chăm chăm vào điện thoại cũng như các phương tiện truyền thông thì lúc đó bạn sẽ có thêm nhiều thời gian hơn để dành cho bản thân cũng như là những mối quan hệ và công việc thực sự cần thiết.

Tìm thấy niềm vui ngay cả khi lạc hậu

Việc cứ chạy theo các xu hướng của người khác, của xã hội sẽ dần cuốn bạn vào các vòng lập không hồi kết của sự ganh đau, mệt mỏi. Vậy nên việc bạn có thể luyện tập để dần kéo bản thân ra khỏi những vòng lập ấy là một trong nhiều điều khá quan trọng. Bạn có thể bắt đầu bằng việc thay thế dẫn những khoảng thời gian bản thân thường dùng để đi hóng xem cuộc sống người khác thế nào, xu hướng xã hội ra sao bằng những khoảng thời gian dành cho bản thân hoặc những hoạt động có ích khác. Chẳng hạn như đọc sách, làm vườn, nấu ăn, dắt thú cưng đi dạo… Khi đó bạn sẽ nhận ra một điều rằng hoá ra việc sống thiếu các xu hướng hay drama cũng không đến nỗi tệ và nếu duy trì, luyện tập cho bản thân có một đời sống tinh thần lành mạnh thì cảm xúc của chúng ta sẽ tự chủ, ít bị phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài hơn.

Đặt ra thứ tự ưu tiên

Mỗi người đều có những ưu tiên, những mối bận tâm khác nhau trong cuộc sống. Khi không xác định rõ ràng, chúng ta sẽ dễ tập trung vào những việc không quan trọng mà bỏ qua nhiều cơ hội lớn. Và tin chắc rằng sau này khi nhìn lại đó có thể sẽ là những nuối tiếc khiến bạn nhọc lòng, ước rằng giá như mà mình có thể quay lại để sửa chữa, nắm bắt cơ hội đó… nhưng tin chắc rằng bạn cũng đã biết được câu trả lời cho vấn đề này luôn luôn là “không” rồi. Chúng ta chỉ có thể chữa bằng cách thay đổi và chuẩn bị thật tốt để cố gắn nắm bắt những cô hội trong tương lai thôi.

Và để có thể nắm bắt những cơ hội đó cũng như không bỏ lỡ thêm bất kỳ điều gì quan trọng nữa thì cần phải suy nghĩ kĩ lưỡng, sắp xếp hợp lý lại thứ tự ưu tiên của các vấn đề. Từ đó chúng ta sẽ không còn quan tâm tới cuộc sống của người khác và thời gian quý báu của bản thân sẽ được tăng lên để dành cho những việc thực sự quan trọng, giúp ta có được trải nghiệm vui vẻ, thú vị hơn trong cuộc sống.

Tạo ra những kết nối thực sự

Có thể không để ý, nhưn sự tiện lợi của mạng xã hội khiến bạn “lười” hơn trong các kết nối thật ngoài đời. Thay vì chờ đợi sự tương tác, trầm trồ mang tính “xã giao” của những người bạn “ảo”, hãy bắt đầu lên kế hoạch cho những cuộc hẹn với bạn bè, gia đình, hay tham gia vào các hoạt động yêu thích của bản thân. Việc này sẽ giúp tạo ra kết nối tinh thần và giúp bạn tập trung vào các giá trị quan trọng trong cuộc sống hơn.

Lời Kết

Mỗi chúng ta ai cũng sẽ đều có một cuộc đời, ở đó bản thân là nhân vật chính và sẽ tự tay vẽ nên những điều đẹp đẽ nhất bằng trải nghiệm, lựa chọn của bản thân. Và không ai có quyền phán xét hay bắt buộc rằng cuộc đời bạn phải giống như cuộc đời của họ hay số đông khác trong xã hội. Vậy nên không cần phải cố tìm ra sự cân bằng, những điều đẹp đẽ hay giá trị của bản thân từ những người khác mà thay vào đó hãy tập trung cho cảm xúc và những điều thực sự quan trọng đối với bản thân. Nếu là một người hiện đang bị tác động bởi hiệu ứng FOMO thì mình mong rằng bằng nổ lực của chính bản thân, bạn sẽ sớm vượt qua và quay về lại trật tự của một cuộc sống lành mạnh tốt đẹp bạn nhé!

Nguồn tham khảo

https://hellobacsi.com/tam-ly-tam-than/van-de-tam-ly-tam-than/fomo-la-gi/#hieu-ung-fomo-la-gi

https://www.prudential.com.vn/vi/blog-nhip-song-khoe/hoi-chung-so-bo-lo-trong-xa-hoi-hien-dai/

Trạm sức khỏe tinh thần

----------------------------------- 💙 Trung tâm Tham vấn tâm lý sinh viên VHU luôn tạo ra một không gian thảo luận tích cực và đầy ý nghĩa về sức khỏe tinh thần. Nếu bạn đang gặp khó khăn về tinh thần, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung tâm tham vấn tâm lý VHU để được hỗ trợ cần thiết về kiến thức, kỹ năng để cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn! 💙 Sức khỏe tinh thần của bạn là rất quan trọng!!! Hãy ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình ngay từ ngày hôm nay!


Liên hệ:

📧 thamvantamly@vhu.edu.vn 🌐 thamvantamly.vhu.edu.vn 📞 02 873 020 333