Làm mẹ khó lắm - Phải đâu chuyện đùa

line
11 tháng 05 năm 2024
Khi bạn sinh ra, tiếng khóc của bạn cũng chính là nguồn hạnh phúc lớn lao dành cho bạn. Chỉ riêng sự xuất hiện của những đứa trẻ đã mang đến cho mẹ niềm vui, hạnh phúc và sự gắn bó rất sâu sắc. Tuy nhiên, vai trò làm mẹ đồng nghĩa với việc phải đối diện với rất nhiều những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày: từ công việc mưu sinh đến quản lý nhà cửa và cả vấn đề nuôi dạy chúng ta cho đến thời điểm bây giờ. Xã hội chúng ta cũng đang dần đặt lên họ những kỳ vọng và mong đợi khắt khe phải đảm việc nhà-giỏi việc nuôi con - thành công trong công việc.  
Vậy các bà mẹ đang phải đối mặt với những căng thẳng nào trong quá trình con cái lớn lên?  Hãy cùng Trạm Sức khỏe tinh thần có góc nhìn rộng hơn về những căng thẳng mẹ phải đối diện hằng ngày và có cái nhìn thấu hiểu dành cho mẹ VHUers nhé.   


1. Thời gian 
Những yêu cầu về chăm sóc và nuôi dưỡng con cái từ khi còn trong nôi cho đến khi trưởng thành đòi hỏi người mẹ bận rộn hơn. Từ việc cho con ăn, tập cho chúng đi, ru chúng ngủ, dạy chúng bước đầu vào giáo dục, đến việc lo liệu cho bữa ăn gia đình... Mọi thứ đều đòi hỏi sự chăm sóc của mẹ suốt ngày dài. Điều này khiến nhiều người mẹ cảm thấy thiếu thời gian cho bản thân hoặc cho những mối quan hệ xã hội khác. Căng thẳng càng nghiêm trọng hơn nếu người mẹ còn phải đi làm và chịu các áp lực ở nơi làm việc hoặc không có sự hỗ trợ từ phía người cha trong việc nuôi dưỡng con cái.  

2. Tài chính 
Để chăm sóc một đứa trẻ lớn khôn sẽ tốn rất nhiều chi phí. Theo ước tính khoảng 10-20 triệu đồng một tháng để nuôi một đứa trẻ từ lúc mới sinh đến 22 tuổi. Khi trẻ còn nhỏ, rất nhiều khoản tiền phải chi như mua: Sữa, tã, khám bệnh, công chăm sóc, quần áo, đến giai đoạn trưởng thành thì chi phí giáo dục, bảo hiểm y tế, quần áo, xe đạp, xe máy, điện thoại, học hành, tiêu xài cá nhân, máy tính... và nặng nhất trong giai đoạn cuối là chi phí học cao đẳng, đại học ước tính 50-100 triệu đồng mỗi năm trong tương lai. Những vấn đề đó sẽ đặt một áp lực không nhỏ lên tài chính gia đình và cũng là một vấn đề gây căng thẳng cho những bà mẹ.  

3. Các vấn đề về mối quan hệ 
Khi còn bé xíu, bạn sẽ phụ thuộc vào sự chăm sóc của những người lớn, đặc biệt là mẹ. Họ sẽ cho chúng ta ăn, uống, tắm rửa, đi ngủ, vui chơi, chăm bệnh...và nhu cầu của một đứa trẻ sẽ khiến mẹ phải tạm gác những mối quan hệ khác sang một bên. Nhiều người mẹ đã cảm thấy khó khăn trong cân bằng giữa việc chăm sóc con và thời gian, năng lượng để chăm sóc các mối quan hệ với vợ/chồng, bạn bè của mình. Khi bạn trưởng thành rời khỏi gia đình, người mẹ cũng cần phải thích nghi với việc không có bạn bên cạnh và điều chỉnh lại nhu cầu về mối quan hệ của bản thân.  

4. Bản năng bảo vệ con 

Nhiều người mẹ trở nên lo âu và cảm thấy thế giới này ít an toàn hơn khi chăm lo cho con của mình. Từ ngày bạn biết trèo leo, gặp gì cũng cho vào miệng cho đến ngày bạn vào cấp 2, cấp 3, những nỗi lo về sự an toàn và phát triển lành mạnh của bạn khiến mẹ phải bận tâm.  Cuối cùng, dù bạn vào đại học, nỗi lo này cũng không bao giờ dứt. Có lẽ không lạ gì với những lời căn dặn của mẹ khi bạn vào đại học: đừng đi khuya nha con, mẹ mới đọc được tin này ghê lắm-cẩn thận nha con.  

5. Nghi ngờ bản thân 

Có lẽ bạn cũng hiểu, mỗi đứa trẻ sẽ có mỗi tính khí, nhu cầu, đặc điểm riêng; song song đó là quá trình phát triển theo mỗi lứa tuổi. Vì thế, không thể có một cách chăm sóc nào vừa khớp, phù hợp với từng đứa trẻ cả. 
Tuy vậy, có thể mẹ bạn có nỗi sợ rằng họ không phải là “một người mẹ đủ tốt”. Điều đó có nghĩa là những người mẹ phải liên tục nhìn nhận lại những gì họ làm, học hỏi những kiến thức về chăm sóc và cố gắng từng bước để chăm sóc con của mình tốt nhất. Một lời nói, hay hành động họ cho là sai khi chăm sóc con cũng có thể khiến họ đau buồn, căng thẳng.  

Thế giới này bao la rộng lớn, nhưng bạn có thể chính là thế giới lớn của mẹ. Vì thế, người mẹ có thể căng thẳng hơn và thiếu đi những kết nối với chính mình và những người xung quanh trong quá trình chăm sóc bạn. May mắn thay là ta cũng còn một vai trò khác-người cha, đồng hành với mẹ trong chặng đường nuôi dạy con cái. Trong các bài viết tiếp theo, ta sẽ cùng tìm hiểu về vai trò người cha trong gia đình VHUers nhé.  

Nguồn tham khảo: 

https://www.verywellfamily.com/common-causes-of-stress-for-mothers-3144845

-----------------------------------

💙 Trung tâm Tham vấn tâm sinh viên VHU luôn tạo ra một không gian thảo luận tích cực đầy ý nghĩa về sức khỏe tinh thần. Nếu bạn đang gặp khó khăn về tinh thần, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung tâm tham vấn tâm VHU để được hỗ trợ cần thiết về kiến thức, kỹ năng để cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn!

💙 Sức khỏe tinh thần của bạn rất quan trọng!!! Hãy ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình ngay từ ngày hôm nay!

Liên hệ: 📧 thamvantamly@vhu.edu.vn 🌐 thamvantamly.vhu.edu.vn 📞 02 873 020 333

Các tin liên quan