VỆ SINH GIẤC NGỦ

line
12 tháng 04 năm 2024

“AI” LÀ NGƯỜI BẢO VỆ GIẤC NGỦ CỦA BẠN?

Ngủ là hoạt động chiếm 1/3 thời gian trong ngày và trung bình bạn sẽ dành khoảng 24 năm 4 tháng cho giấc ngủ. Dù dành nhiều thời gian cho giấc ngủ như thế nhưng có bao giờ VHUers đã nghĩ đến việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao chất lượng giấc ngủ chưa? Hay bạn vẫn để tình trạng mất ngủ “tấn công” nhiều đêm, trằn trọc đến sáng hay thậm chí chính bạn quyết định “phá hủy” giấc ngủ của mình bằng việc thức đến 2-3 sáng để hoàn thành công việc, bài tập hay đơn giản là lướt mạng xã hội... Nếu VHUers đang quan tâm đến vấn đề trên và muốn tự bảo vệ giấc ngủ của mình, bài viết của Trạm sức khỏe tinh thần sẽ giới thiệu đến bạn thuật ngữ “vệ sinh giấc ngủ”-một phương pháp bảo vệ giấc ngủ nhé.

1. Tại sao bạn cần vệ sinh giấc ngủ?  Giấc ngủ được chứng minh là cần thiết để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Giấc ngủ duy trì các khả năng nhận thức như trí nhớ, khả năng học tập, gia tăng khả năng sáng tạo và khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên quan trí não phức tạp. Vệ sinh giấc ngủ (sleep hygiene) được cho là có mối quan hệ với chất lượng giấc ngủ và thời lượng ngủ mỗi đêm. Vệ sinh giấc ngủ thể hiện ở những thói quen, hành vi cần thiết để đảm bảo được chất lượng giấc ngủ ngon vào ban đêm và sự tỉnh táo vào ban ngày. Khi vệ sinh giấc ngủ kém, tức là bạn không có lịch trình ngủ cụ thể, môi trường thiếu phù hợp (ồn ào, quá sáng, quá nóng) và sử dụng chất kích thích hay tiếp xúc ánh sáng xanh thường xuyên, đặc biệt là trước khi ngủ. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ, cơ thể không có năng lượng nên mệt mỏi, thiếu động lực và khả năng thúc đẩy để hoàn thành công việc, thay đổi tâm trạng, khó quyết định, gặp vấn đề về trí nhớ, khó tập trung và đau đầu.

Ngược lại, giấc ngủ được vệ sinh đúng cách đóng vai trò rất quan trọng đối với cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Điều này có thể cải thiện năng suất và chất lượng cuộc sống nói chung của VHUers

2. Cách để “bảo vệ” giấc ngủ

Dưới đây là 3 mẹo mà Trạm Sức khỏe tinh thần muốn giới thiệu để giúp cho VHUers có thể tự điều chỉnh cho bản thân vệ sinh giấc ngủ cho bản thân

Tips số 1: Đặt lịch trình ngủ phù hợp

  • - Thiết lập lịch đi ngủ:  việc có một thời gian thức-ngủ cố định sẽ giúp cho cơ thể bạn quen dần với lịch trình đó và tiết ra những chất hóa học cần thiết (như melatonin) giúp bạn nhanh vào giấc hơn. Sinh viên cũng cần cố gắng ưu tiên giấc ngủ thay vì làm việc, học tập, hay lướt mạng xã hội, tiệc tùng thâu đêm...và cần đảm bảo là đã ngủ đủ giấc. 

  • - Điều chỉnh dần dần: nếu VHUers đang có thời gian ngủ khá muộn và muốn thay đổi, đừng cố gắng ép mình (ví dụ từ 2h sáng thành 10 đêm). Thay vào đó, hãy thực hiện những điều chỉnh nhỏ, từng bước trong tối đa một hoặc hai giờ để bạn có thể điều chỉnh và ổn định giờ ngủ mới. 

  • - Thiết lập những thói quen trước khi đi ngủ: bạn có thể giữ những thói quen như đánh răng, nghe nhạc nhẹ, đọc sách, nằm thư giản để giúp não bạn biết đã đến lúc phải đi ngủ. - Bạn cũng nên giảm ánh sáng, tắt thiết bị điện tử 30 phút vì ánh sáng xanh có thể làm giảm sản xuất melatonin- một loại hormone mà cơ thể tạo ra để dễ ngủ hơn.

  • - Trằn trọc khó ngủ: nếu sau 20 phút bạn vẫn chưa ngủ được, hãy đứng dậy và vươn vai, đọc sách hoặc làm điều gì đó thư giãn trong ánh sáng yếu trước khi cố gắng ngủ lại.

  • Tips số 2: Kết hợp với các thói quen trong ngày

  •  
    - Tiếp xúc với ánh sáng ban ngày: Ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng mặt trời, là một trong những yếu tố chính điều khiển nhịp sinh học có thể giúp bạn điều chỉnh giờ giấc đi ngủ phù hợp.
  • - Hoạt động thể chất: Tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn dễ ngủ hơn vào ban đêm và cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác. Tuy nhiên, bạn cũng cần hạn chế tập luyện nặng gần giờ đi ngủ.

  • - Hạn chế sử dụng chất kích thích: hút thuốc được chứng mình có liên quan đến nhiều vấn đề về giấc ngủ. Tương tự, rượu bia có thể tạo cho bạn cảm giác dễ ngủ hơn nhưng sẽ làm gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm. Bên cạnh đó, cần giảm lượng caffeine tiêu thụ trong ngày vì nó có thể khiến bạn hưng phấn ngay cả khi bạn muốn nghỉ ngơi, nhất là khi bạn uống vào buổi tối.

  • - Ngủ trưa: Ngủ trưa có thể là một cách hữu ích để lấy lại năng lượng vào ban ngày, đặc biệt là tình trạng ngủ không đủ giấc vào ban đêm nhưng chúng có thể khiến bạn lại mất ngủ vào ban đêm. Để tránh điều này, hãy cố gắng giữ những giấc ngủ ngắn tương đối ngắn (tầm 30-45 phút) và hạn chế ngủ quá xế chiều.

  • Tips số 3: Tối ưu hóa phòng ngủ

  • - Chỉ nên sử dụng giường để ngủ: khi bạn làm nhiều hoạt động khác tại giường như đọc sách, xem điện thoại, coi phim, cơ thể bạn sẽ liên kết việc nằm ở trên giường và trạng thái tỉnh táo thay vì là sự nghỉ ngơi.

  • - Có một chiếc nệm và gối thoải mái: đây là điều rất quan trọng để có được giấc ngủ thoải mái và không bị đau khi hôm sau thức dậy. 
    - Một số vấn đề khác bạn cần lưu ý như: đặt nhiệt độ mát mẻ, thoải mái (khoảng 24 độ), sử dụng rèm dày hoặc bịt mắt để ngăn ánh sáng, giảm tiếng ồn xung quanh bằng nút tai, ánh sáng trắng.

  •  

  • Kết lại, việc có một giấc ngủ ngon là rất quan trọng để cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn. Chính VHUers sẽ là người bảo vệ giấc ngủ của chính mình bằng cách thiết lập thói quen vệ sinh giấc ngủ phù hợp như: thực hiện thiết lập lại giờ ngủ, kiểm soát những yếu tố xung quanh phòng ngủ và có những hoạt động ban ngày phù hợp. Hi vọng những thông tin hữu ích của Trạm sẽ giúp VHUers có thêm những buổi tối ngon lành, chất lượng nhé. 

  •  

Nguồn tham khảo:

https://www.sleepfoundation.org/sleep-hygiene

-----------------------------------

💙 Trung tâm Tham vấn tâm lý sinh viên VHU luôn tạo ra một không gian thảo luận tích cực và đầy ý nghĩa về sức khỏe tinh thần. Nếu bạn đang gặp khó khăn về tinh thần, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung tâm tham vấn tâm lý VHU để được hỗ trợ cần thiết về kiến thức, kỹ năng để cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn!
💙 Sức khỏe tinh thần của bạn là rất quan trọng!!! Hãy ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình ngay từ ngày hôm nay!

 

Liên hệ: 📧 thamvantamly@vhu.edu.vn 🌐 thamvantamly.vhu.edu.vn 📞 02 873 020 333

Các tin liên quan