Có thể nói ngày nay tư duy phản biện đóng vai trò quan trọng trong công việc và cuộc sống. Để thăng tiến, tạo ra được thành tựu trong mọi khía cạnh thì đây chính là kỹ năng cần được rèn luyện và trau dồi thường xuyên. Tiếp nối với phần trước, hôm nay Trạm Phát triển bản thân sẽ đưa đến cho các VHUer thêm thật nhiêù kiến thức về kỹ năng đầy thú vị này nè. Không để các bạn đợi lâu nữa chúng ta sẽ cùng bắt đầu ngay luôn nhé!

Top 6 cách rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện
1. Học cách đánh giá khách quan
Để có thể rèn luyện tư duy phản biện, điều đầu tiên bạn cần thay đổi đó chính là học cách đánh giá mọi việc dưới góc nhìn khách quan. Cụ thể, khi đứng trước một nhận định, một vấn đề nào đó, bạn hãy nhìn nhận chúng dưới một góc nhìn không phải chỉ của riêng bạn. Nghĩa là, chúng độc lập và không bị tác động hay chi phối bởi các yếu tố cảm xúc hay tình cảm nào khác.
Ví dụ: Khi đọc một bài báo về một sự kiện, hãy tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn.
2. Đưa ra những giả định
Khi thực hành tư duy phản biện, nhất định phải đưa ra những giả định. Tư duy phản biện được sinh bởi những nghi vấn và giả định là điều cần thiết để hình thành nên tư duy phản biện. Hãy luôn đặt mình trước nghi vấn và thắc mắc là cách để bạn có thể phản biện tốt một vấn đề nào đó.
Ví dụ: Khi làm bài tập về kinh tế học, giả định rằng nếu thuế nhập khẩu tăng, điều gì sẽ xảy ra với giá cả và lượng cung ứng? Kiểm tra từng giả định về cách các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ phản ứng với thay đổi này.
3. Tư duy ngược
Hình thành lối tư duy ngược cũng là cách hữu hiệu để rèn luyện tư duy phản biện.
Trước một vấn đề, một nhận định, việc đảo ngược tình huống sẽ giúp bạn hiểu vấn đề một cách cặn kẽ hơn. Từ đó tìm ra đáp án nhanh hơn. Trường hợp đảo ngược nếu không đem lại kết quả đúng, chúng cũng giúp bạn một lần nữa tái khẳng định nhận định còn lại là đúng.
Ví dụ: Trong một buổi thuyết trình về bảo vệ môi trường, thay vì chỉ nêu ra các lợi ích của việc tái chế, hãy xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu không tái chế. Điều này giúp bạn nhìn rõ hơn về tầm quan trọng của vấn đề.
4. Sử dụng dẫn chứng thực tế
Trước khi nhận định hay kết luận cần phải dùng thực tế để chứng minh. Đó là cách rèn luyện tư duy phản biện tốt nhất đối với tất cả mọi người. Cùng đó, khi người khác đưa ra một khẳng định hay nhận định nào đó, bạn hoàn toàn có thể đặt ngược lại các câu hỏi cho họ. Chẳng hạn:
- Bạn lấy bằng chứng ở đâu để khẳng định điều đó?
- Có dẫn chứng nào khẳng định điều đó là đúng?
- Tại sao lại khẳng định như vậy?
Ví dụ: Khi thảo luận về tác động của mạng xã hội đến sức khỏe tâm lý, tìm kiếm các nghiên cứu khoa học và thống kê để chứng minh quan điểm. Ví dụ, tìm hiểu các nghiên cứu về mối liên hệ giữa thời gian sử dụng mạng xã hội và mức độ trầm cảm.
5. Hạn chế sự thỏa hiệp khi tranh luận
Đừng dễ dàng thỏa hiệp khi tranh luận. Đây chính là cách để bạn hình thành nên lối tư duy phản biện. Điều này không có nghĩa là bạn luôn đúng hay người khác lúc nào cũng sai. Đừng đánh đồng “phản biện” và tư tưởng “chủ quan hóa”, đề cao cái tôi cá nhân. Tư duy phản biện đó là tranh luận, là “đấu tranh” một cách văn minh để bảo vệ quan điểm của mình, dưới một góc nhìn khách quan, không mang tính phiến diện. Hơn hết, chúng được bảo vệ bởi những luận điểm và dẫn chứng rõ ràng. Đây là dẫn chứng về tư duy phản biện dễ thấy nhất.
Ví dụ: Trong một buổi thảo luận nhóm về một dự án, nếu bạn tin rằng một phương pháp cụ thể sẽ hiệu quả hơn, hãy kiên trì bảo vệ ý kiến của mình bằng cách đưa ra các nghiên cứu hoặc số liệu minh chứng, thay vì đồng ý ngay với ý kiến của người khác mà không có căn cứ.
6. Tập thói quen đánh giá từ câu hỏi đơn giản
Đừng bắt đầu bằng cách phức tạp hóa mọi vấn đề. Đôi khi sự đơn giản có thể giải quyết mọi chuyện một cách dễ dàng. Do đó, hãy đánh giá mọi khía cạnh của sự việc bằng những câu hỏi đơn giản nhất, rồi từ từ nâng cao tư duy vấn đề cho đến khi mọi chuyện được giải quyết thật logic và suôn sẻ.
Ví dụ: Khi viết luận văn về tác động của biến đổi khí hậu, hãy sử dụng dữ liệu từ các tổ chức uy tín như NASA hay IPCC, giải thích cách dữ liệu này được thu thập và ý nghĩa của chúng trong việc chứng minh quan điểm của bạn.
LỜI GỬI GẮM
Thông qua hai bài viết vừa rồi Trạm Phát triển Bản thân hy vọng có thể cung cấp cho các bạn tổng quan về tầm quan trọng cũng như cách thức để bước đầu có thể tự rèn luyện kỹ năng này cho bản thân. Chỉ cần từng ngày nỗ lực từng chút một thì Trạm Phát triển Bản thân tinh rằng bạn sớm có thể nắm được kỹ năng này trong tay thôi nè!
Nếu trong quá trình tự rèn luyện bạn có thắc mắc hay gặp phải khó khăn gì thì có thể liên hệ TRUNG TÂM THAM VẤN TÂM LÝ VHU để được hỗ trợ bởi chuyên gia nhé!
Chúc bạn thành công trong việc chinh phục kỹ năng Tư duy Phản biện!
Nguồn:
https://www.pace.edu.vn/tin-kho-tri-thuc/tu-duy-phan-bien#dac-diem-cua-mot-nguoi-co-tu-duy-phan-bien
https://clevai.edu.vn/hieu-con-yeu/tu-duy-phan-bien-la-gi/
-----------------------------------
💙 Trung tâm Tham vấn tâm lý sinh viên VHU luôn tạo ra một không gian thảo luận tích cực và đầy ý nghĩa về sức khỏe tinh thần. Nếu bạn đang gặp khó khăn về tinh thần, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung tâm tham vấn tâm lý VHU để được hỗ trợ cần thiết về kiến thức, kỹ năng để cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn!
💙 Sức khỏe tinh thần của bạn là rất quan trọng!!! Hãy ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình ngay từ ngày hôm nay!
Liên hệ:
📧 thamvantamly@vhu.edu.vn
🌐 thamvantamly.vhu.edu.vn
📞 02 873 020 333
